3. Sự đồng bộ và công bằng trong dạy học trực tuyến
3.1. Khía cạnh xã hội của dạy học trực tuyến bằng video
Tiếp theo, đó là xu hướng sử dụng các bài giảng video trực tuyến thay thế bài giảng trên lớp. Về mặt kĩ thuật, dung lượng tối thiểu của một đoạn video dài 5 phút thường dùng trực tuyến hiện nay dao động trong khoảng 50-100 MB. Một bài giảng video dài 40 phút (trực tiếp hoặc phát lại) sẽ tốn ít nhất 400-800 MB; chất lượng video càng cao dung lượng càng lớn. Các gói thuê bao Internet cố định cho máy tính với băng thông tiêu chuẩn hiện nay dao động khoảng từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi tháng. Nếu dùng dữ liệu Internet di động, một trong các gói cước ưu đãi nhất hiện giờ cũng tốn 200.000 đồng/tháng để có 2 GB mỗi ngày, chỉ trong một buổi học là đã “hết vốn”. Nhà nào càng có nhiều tiền để mua băng thông và lưu lượng dữ liệu cao hơn thì nghe và nhìn càng “sướng”. Còn ít tiền, dùng các gói truy cập tiêu chuẩn thì âm thanh hình ảnh lúc rõ nét lúc mờ nhoè rột rẹt tuỳ ý, không thể đảm bảo ổn định.
Bởi vậy, nếu chỉ tập trung vào các bài giảng video (truyền hình hoặc trực tuyến), không chỉ hiệu quả sư phạm rất hạn chế như đã nêu, mà còn dễ dẫn tới bất công về mặt xã hội. Tức là, các biện pháp áp dụng chỉ khuyến khích những gia đình có điều kiện thuận lợi về kinh tế, phương tiện, thiết bị kết nối, truy cập nội dung giáo dục. Còn các gia đình khó khăn hơn thì hoặc là phải chấp nhận thiệt thòi trong việc tiếp cận nội dung giáo dục, hoặc là phải chấp nhận tốn kém thêm chi phí để con em mình không thua thiệt so với bạn học. Trong khi đó, có một nguyên tắc công bằng cần đảm bảo trong giáo dục, đó là nhà giáo dục phải tạo đủ các điều kiện tối thiểu để mọi người học đều có khả năng tiếp cận như nhau đến những dịch vụ giáo dục thiết yếu nhất. Giống như trong một thùng nước làm từ các thanh gỗ ghép, mực nước chỉ dâng cao đến sát mép của thanh gỗ thấp nhất.