[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19

Hệ thống: Campus numérique francophone de Hô Chi Minh-Ville
Khoá học: Dạy học trực tuyến với lớp học đảo ngược (flipped classroom)
Sách: [Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19
Được in bởi: Visiteur anonyme
Ngày: dimanche, 24 novembre 2024, 9:06 AM

Mô tả

Bản trình bày lại của bài viết được đăng trên tạp chí Người Đô Thị, tách thành nhiều kì:

- Kì 1: “Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19”, ngày 27/03/2020, https://nguoidothi.net.vn/tan-man-day-hoc-truc-tuyen-thoi-covid-19-22948.html

- Kì 2: “Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19: Cần 'giải oan' cho ứng dụng!”, ngày 28/03/2020, https://nguoidothi.net.vn/tan-man-day-hoc-truc-tuyen-thoi-covid-19-can-giai-oan-cho-ung-dung-22980.html

- Kì 3: “Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19: Đi tìm sự đồng bộ”, ngày 30/03/2020, https://nguoidothi.net.vn/tan-man-day-hoc-truc-tuyen-thoi-covid-19-di-tim-su-dong-bo-22999.html

- Kì 4: “Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19: Giải pháp hài hoà giữa ngắn hạn và dài hạn”, ngày 31/03/2020, https://nguoidothi.net.vn/tan-man-day-hoc-truc-tuyen-thoi-covid-19-giai-phap-hai-hoa-giua-ngan-han-va-dai-han-23017.html

1. Dạy học, giảng bài và nghe giảng

Khi các trường học đóng cửa kéo dài do dịch bệnh Covid-19, nhiều nơi đã tăng cường sử dụng các ứng dụng hội thoại có hình để dạy học trực tuyến như là một giải pháp thay thế cho việc giảng bài trên lớp học. Kèm theo đó là một xu hướng người dùng chấm điểm thấp các ứng dụng máy tính liên quan, làm nhiều người trở nên bức xúc, đặc biệt là về thái độ ứng xử văn hoá của học sinh. Nhưng nói cho ngay, điểm đánh giá thấp ấy không phải chỉ do học sinh Việt Nam, mà nhiều người học trẻ tuổi ở khắp nơi trên thế giới cũng có hành động tương tự. Đằng sau câu chuyện này, có cả nguyên nhân từ chính các nhà giáo dục và thầy cô giáo mà chưa nhiều người thực sự quan tâm đến.

Có thể nói, hai phương thức dạy học chủ đạo được các trường học ưu tiên áp dụng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay là giảng bài qua truyền hình và giảng bài trực tuyến (qua mạng Internet). Bài giảng truyền hình áp dụng chủ yếu ở bậc phổ thông. Nhiều địa phương mời các thầy cô giáo giảng hay, tổ chức ghi hình các bài giảng theo từng môn ở từng lớp, rồi xếp lịch phát trên sóng truyền hình và thông báo cho học sinh đúng ngày đúng giờ mở tivi lên nghe, hoàn toàn không có tương tác. Với Internet, các thầy cô sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hẹn học sinh, sinh viên đến đúng ngày giờ thì kết nối và nghe giảng trực tiếp qua mạng, với ít nhiều khả năng tương tác, trao đổi qua lại.

Các bài giảng qua truyền hình hay qua Internet có một ưu điểm lớn nhất thấy rõ, đó là có người giảng giải chi tiết các nội dung của những bài học dài như vẫn thường gặp trên trường trên lớp, với giả định là người nghe sẽ tập trung tối đa và tiếp thu ở mức cao nhất mọi kiến thức được truyền đạt. Nếu điều kiện kĩ thuật cho phép, các bài giảng ấy có thể được lưu trữ trên Internet và cho phép học sinh, sinh viên truy cập, xem lại vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đó cũng có thể chính là nhược điểm quan trọng về mặt giáo dục. Vì sao vậy?

1.1. Truyền thụ kiến thức một chiều

Trước tiên, hãy xem xét một thái cực độc lập là truyền hình và video thuần tuý. Khi xem tivi, điều gì khiến bạn chăm chú theo dõi màn hình? Nghe ai đó đọc diễn văn hay giảng giải gì đó liên tục trong 45 phút, bạn có thường chuyển kênh? Một chương trình giải trí đơn điệu, nhàm chán có giữ bạn được quá 30 phút? Một bộ phim thiếu hấp dẫn có thể khiến bạn kiên trì xem hơn 15 phút? Khi bạn lướt Web, một đoạn video nếu không có gì đặc sắc trong 20 giây đầu tiên hoàn toàn có thể bị bỏ qua nhanh chóng. Những bài nói chuyện của những diễn giả có sức thu hút nhất thường cũng chỉ được biên tập cắt gọn trong vòng 5-10 phút và hiếm khi dài quá 30 phút. Thành ra, các bài giảng hay đoạn phim giáo dục dưới dạng video dài quá 15 phút khó lòng mà giữ chân được người học.

Ở một thái cực khác, khi học tập trung trên lớp, bao nhiêu trò sẽ ngủ gật nếu thầy giảng liên tục từ đầu tới cuối tiết học? Ngay cả với những giáo viên có khả năng sư phạm tốt nhất, trong mỗi bài giảng đều phải đan xen kết hợp các hoạt động khác nhau để giúp người học tập trung hứng thú, có thể hỏi-đáp hay giảng đi giảng lại cho đến khi người học hiểu được bài. Đó là chưa nói đến việc phương pháp giảng bài truyền đạt một chiều không còn được khuyến khích trong các trường học thời đại công nghệ số ngày nay. Vì vậy, cho rằng học sinh, sinh viên sẽ kiên trì nghe và lĩnh hội đầy đủ bài giảng video của thầy cô giáo liên tục hàng giờ, rồi hàng ngày và hàng tuần qua tivi hay máy tính, đó là một kì vọng phi thực tế.

1.2. Tình trạng cô độc của người học

Sẽ có người nói rằng, giảng bài trực tuyến vẫn có cách để kiểm soát tương tác như trong lớp học. Ở đây, chúng ta cần quan tâm đến một khái niệm thoạt nghe rất lạ lẫm: sự cô lập của người học. Học ở nhà, học qua mạng, học mọi lúc mọi nơi thì lẽ ra phải là hoà nhập chứ sao lại cô lập? Theo các giáo trình chính quy về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong giáo dục, sự cô lập của người học chính là tình trạng người học phải thực hiện hoạt động học tập trong khi bị tách rời hoàn toàn khỏi môi trường học tập[1], vốn có những yêu cầu và cách thức tổ chức riêng biệt trong phương thức giáo dục truyền thống.

Ở đó, một khi bước qua cổng trường, đặt chân vào lớp học, người học đã bị hàng loạt các mối quan hệ học đường ràng buộc, phải tạm thời bỏ qua các mối bận tâm ngoài phạm vi môi trường học tập bao quanh. Ngay cả như thế, không phải lúc nào người học cũng có thể tập trung chuyên chú. Một mặt, người dạy phải dùng quyền hạn điều hành của mình để kiểm soát người học, tránh tình trạng thầy cứ giảng trò cứ làm việc riêng, nói chuyện riêng hay lơ đãng lướt Web trên điện thoại. Mặt khác, người dạy giỏi còn phải biết kết hợp vừa giảng vừa điều chỉnh nhịp điệu tuỳ theo phản ứng của người học ngay trước mặt, để duy trì không khí sinh động của lớp học và hứng thú học tập nơi người học.

Hầu hết những lợi thế trong phương thức dạy học tập trung đó đều bị mất đi trong môi trường học tập từ xa qua truyền hình hoặc Internet. Người học bị buộc phải tập trung vào mục tiêu học tập trong khi bị cô lập khỏi một môi trường thuần tuý dành cho học tập. Ngồi học ở nhà, làm sao tránh cồn cào khi mùi đồ ăn thơm phức trong bếp thoảng qua? Làm sao bình tâm trước màn hình hàng giờ khi hàng xóm nhà bên hát karaoke văng vẳng? Làm sao ngồi yên nghe giảng khi biết rằng cùng lúc ấy có một chương trình giải trí hay một bộ phim truyền hình hấp dẫn khó cưỡng? Làm sao không mơ màng lơ đãng lật sang trang Web khác xem những thứ nhẹ nhàng thú vị hơn hẳn những bài học khô khan và khái niệm phức tạp khi cả thầy lẫn bạn đều không thể phát hiện?...


[1] Delaby A. 2006. Créer un cours en ligne : De l’analyse de l’environnement à la réalisation technique. Paris : Editions d’Organisation. 178 p.

1.3. Các phương thức đào tạo từ xa

Đó là chưa kể đến yếu tố tuổi tác, tâm lí và khả năng tự chủ của người học. Các phương thức đào tạo từ xa về cơ bản được thiết kế dành cho người trưởng thành, vốn có nhu cầu và khả năng tự học cao. Ban đầu là đào tạo qua thư tín (giáo dục hàm thụ) phổ biến trong nửa đầu thế kỉ XX, dựa hoàn toàn vào năng lực đọc-hiểu của người học. Theo đà phát triển của công nghệ thì phương thức đào tạo từ xa cũng chuyển mình từ thư tín qua truyền thanh và truyền hình, thịnh hành trong những năm 1970-1980, cải thiện thêm khâu nghe-nhìn. Khi Internet phổ biến rộng rãi trong những năm 1990-2000 thì khái niệm e-learning (học tập điện tử) cũng ra đời, nâng tầm các hoạt động đào tạo từ xa thêm một bước, hỗ trợ tương tác ở mức độ đơn giản. Từ cuối những năm 2000, công nghệ Web động rồi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến chuyển lớn trong cách tổ chức các hoạt động đào tạo từ xa, với rất nhiều công cụ hỗ trợ hiệu quả từ làm việc cá nhân đến làm việc nhóm, từ biên soạn và chia sẻ tài nguyên đến hội thoại có tiếng, có hình, v.v.

Nhưng suy cho cùng, công cụ cũng chỉ là công cụ, với tất cả những ưu điểm và nhược điểm tự thân của từng loại. Điều quan trọng là trước khi nghĩ đến công cụ, người dạy cần phân biệt được hoạt động học tập nào có thể thực hiện hiệu quả từ xa, và hoạt động nào chỉ có tác dụng tốt khi tập trung mặt đối mặt trên lớp. Từ đó mới có thể lựa chọn công cụ nào phù hợp nhất với loại hoạt động muốn tổ chức.

Tổ chức các buổi học phát trên truyền hình hay giảng bài trực tuyến như đang thấy, sẽ không khác gì bê nguyên lớp học tập trung tại trường đặt lên truyền hình hay Internet. Với mọi hạn chế về khả năng điều hành, kiểm soát người học từ xa, các nhà giáo dục lại đòi hỏi người học phải tự vượt qua mọi rào cản môi trường phi-học-tập xung quanh cũng như khắc phục mọi hạn chế về năng lực học tập tự chủ (đặc biệt ở học sinh nhỏ tuổi) để nghe giảng cho đạt hiệu quả. Xa hơn nữa, giảng bài và nghe giảng dù có tương tác (qua Internet) hay không (qua truyền hình) cũng chỉ là hai hoạt động dạy học chiếm vai trò chủ đạo trong lối giáo dục truyền thụ của vài chục năm về trước. Và sẽ rất đáng tiếc khi các công cụ đa dạng và phong phú của thời đại công nghệ số ngày nay lại chỉ được khai thác ở lớp bề mặt giản đơn nhất dựa trên một mô hình giáo dục cũ kĩ của nửa đầu thế kỉ XX.

2. Công cụ dạy học trực tuyến

Quay lại câu chuyện người học cho điểm thấp khi dùng các ứng dụng hội thoại có hình để dạy học trực tuyến. Trước tiên, thiết tưởng cần phải gọi đúng tên công cụ. Ví dụ, hãng xe hơi T. có dòng xe V. được ưa chuộng. Hãng taxi M. đặt hàng mua một loạt xe V. để dùng chạy taxi. Người ta có thể nói xe taxi của hãng M. thuộc dòng xe V., nhưng không thể gọi xe V. là xe taxi.


Tương tự, một ứng dụng cụ thể bị cho điểm thấp mà chúng ta đang bàn là Zoom vốn không phải là ứng dụng dạy học trực tuyến. Đó là một công cụ hội nghị trực tuyến (Web conference), kèm theo nhiều chức năng bổ trợ khác, từ miễn phí đến có phí, phục vụ hội họp từ xa qua Internet. Việc nhiều giáo viên dùng Zoom cho mục đích giảng bài trực tuyến không thể biến Zoom thành một ứng dụng dạy học trực tuyến đúng nghĩa. Tình trạng gọi sai tên trong một cuộc truyền thông ồ ạt này, dù vô tình hay hữu ý, đã dẫn đến hậu quả là học sinh, sinh viên, cùng với gia đình họ và công chúng nói chung, hiểu sai bản chất của ứng dụng. Phản ứng thái quá của người học trong việc chấm điểm ứng dụng là điều đáng tiếc, nhưng về căn nguyên sâu xa thì lỗi không chỉ do riêng người học.

Bên cạnh Zoom, có rất nhiều những ứng dụng tương tự khác có thể hỗ trợ hội họp video (có cả tiếng lẫn hình) trực tuyến. Trước tiên có thể kể đến các chức năng phát hình trực tiếp trên Internet (live streaming) của Facebook và YouTube, với giao diện và công cụ bổ trợ tương đối hạn chế. Chuyên biệt và nhiều chức năng hơn thì có Skype hay Microsoft Teams, có thể cài đặt cả trên máy tính hay điện thoại để dùng. Tương tự, Google Hangouts Meet, AnyMeeting hay Adobe Connect cũng được thiết kế chuyên biệt cho nhu cầu hội họp từ xa nhưng cho phép kết nối trực tiếp từ Web mà không cần cài đặt phần mềm riêng trên máy tính...

2.1. Các công cụ hội thoại video trực tuyến

Danh sách còn dài, cũng như không thể kể hết mọi chi tiết kĩ thuật của mỗi công cụ. Nhưng chúng có một điểm chung là, tuỳ mỗi nhà phát triển mà các chức năng bổ trợ kèm theo nhiều hay ít, được cung cấp hoàn toàn miễn phí, miễn phí có điều kiện hoặc có thu phí, với chất lượng dịch vụ cũng thay đổi tương ứng. Đặc biệt, một số nhà phát triển có các gói ưu đãi dành cho ngành giáo dục, như Google hay Microsoft. Việc tập trung quá nhiều vào một công cụ nhất định có thể làm chúng ta mất cái nhìn tổng thể, cũng là bỏ qua cơ hội lựa chọn các loại công cụ khác nhau, phù hợp với các mục đích hay điều kiện, hoàn cảnh khác nhau của người dùng, nhất là các gói dịch vụ ưu đãi dành cho ngành giáo dục.

Chỉ riêng với nhu cầu tổ chức giảng bài và nghe giảng trực tuyến như nhiều người vẫn làm, đã có thể liệt kê một số ứng dụng chuyên biệt với những đặc điểm chính như sau:

Tên ứng dụng (bản miễn phí hoặc ưu đãi cho ngành giáo dục)

Số người tối đa

Thời gian họp tối đa

Số lượng cuộc họp

Skype

50

10 giờ/ngày

100 giờ/tháng

Zoom

100

40 phút

Không giới hạn

ezTalks

100

40 phút

Không giới hạn

AnyMeeting

4

Không giới hạn

Không giới hạn

Lifesize (gói miễn phí 6 tháng)

25

24 giờ

Không giới hạn

Google Hangouts Meet (cá nhân)

100

Không giới hạn

Không giới hạn

G Suite for Education (bao gồm Google Hangouts Meet)

250 (áp dụng đến 01/07/2020)

Không giới hạn

Không giới hạn

Microsoft Teams (cá nhân)

50

4 giờ

Không giới hạn

Office 365 Education (bao gồm Microsoft Teams)

250

4 giờ

Không giới hạn

Nguồn: Website của từng ứng dụng, ngày 22/03/2020

Ngoài giới hạn về số lượng người tham dự cùng lúc và thời lượng họp, sự khác biệt chính giữa các công cụ này nằm ở chất lượng truyền tín hiệu (âm thanh, hình ảnh), tính tiện nghi và mức độ tiện dụng của từng hệ thống. Các gói miễn phí thì chất lượng và tiện nghi bao giờ cũng thấp hơn các gói ưu đãi giáo dục và có phí. Mặc dù về ứng dụng cá nhân thì Skype phổ biến hơn, nhưng Zoom có vẻ được ưa thích hơn vì kết hợp được đồng thời nhiều yếu tố tương đối như: số người tham dự đủ đông (cho quy mô một lớp học), thời lượng đủ dài (gần bằng một tiết học), chất lượng truyền khá tốt so với Skype, công cụ tiện lợi, đơn giản, dễ xài. Nhưng câu hỏi cần đặt ra khi sử dụng các công cụ hội thoại video trực tuyến này là: giảng bài và nghe giảng trực tuyến có phải là cách chủ yếu hay thích hợp nhất để dạy học trực tuyến?

2.2. Các công cụ làm việc cá nhân và phối hợp trực tuyến

Nếu không muốn chỉ dừng lại ở mô hình giáo dục truyền thụ của hơn nửa thế kỉ trước, chắc hẳn câu trả lời là không. Các nhà phát triển lớn như Google và Microsoft có những gói dịch vụ ưu đãi dành cho giáo dục, ngoài việc đảm bảo chất lượng hội thoại video trực tuyến cao hơn còn cung cấp một loạt các công cụ làm việc cá nhân và làm việc nhóm khác cho giáo viên và học sinh, sinh viên. Trong gói Office 365 Education mà Microsoft cung cấp miễn phí cho bất cứ ai có hộp thư điện tử theo tên miền của ngành giáo dục, người dùng sẽ có thêm các công cụ văn phòng cá nhân và hợp tác nhóm như không gian chia sẻ tài liệu, biên soạn nội dung, lập phiếu khảo sát, v.v.

Trong khi đó, Google đã đi trước Microsoft một bước khi từ lâu đã tiên phong cung cấp các công cụ làm việc cá nhân và hợp tác hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người (thông qua Google Drive). Không những thế, họ còn đi xa hơn khi phát triển một công cụ chuyên biệt cho nhu cầu dạy học trực tuyến của giáo viên là Google Classroom, cho phép soạn bài giảng, giao bài tập, chấm điểm bài làm, khảo sát ý kiến và thảo luận với sinh viên. Và gói G Suite for Education là sự nâng cấp của tất cả các dịch vụ dành cho cá nhân riêng lẻ (giáo viên hay sinh viên), tích hợp lại trong một hệ thống tập trung của một cơ sở giáo dục, với một mức chất lượng phục vụ cao hơn. Trong thực tế, không ít giáo viên đã biết kết hợp các công cụ cá nhân của Google để tổ chức việc dạy học trực tuyến cho các lớp học của riêng mình, và cũng đã có những trường học chủ động đăng kí trọn gói G Suite for Education để nhân rộng phạm vi sử dụng các công cụ này tại đơn vị của mình.

Tuy vậy, nói cho ngay thì các công cụ của Microsoft hay Google cũng chỉ phục vụ những nhu cầu dạy học rất cơ bản. Trong thực tiễn ứng dụng CNTT-TT trong giáo dục, có rất nhiều hoạt động dạy học khác cần những phương tiện chuyên biệt hơn so với những gì Office 365 Education hay G Suite for Education cung cấp. Để việc ứng dụng CNTT-TT đạt hiệu quả tại một trường học hay một cơ sở giáo dục (ở mọi cấp độ), một trong các điều kiện cần là phải có một “môi trường dạy-học trực tuyến” (Virtual learning environnement – VLE) hay một “hệ thống quản lí dạy-học trực tuyến” (Learning management system – LMS) cho phép quản lí tích hợp mọi hoạt động dạy và học của mọi giáo viên và học viên tại đơn vị của mình. Trong số các VLE/LMS phổ biến nhất hiện nay, nhóm bản quyền thương mại có thể kể đến Blackboard Learn, Dokeos, nhóm mã nguồn mở có thể kể đến Moodle, Claroline, Sakai, Canvas, Open edX, v.v.

2.3. Hệ thống quản lí dạy học trực tuyến

Điều kiện tiên quyết để phát triển các VLE/LMS trong hệ thống giáo dục là hành lang pháp lí và chính sách ứng dụng công nghệ. Về điểm này, có thể nói là Việt Nam đã chuẩn bị tương đối đầy đủ từ khá sớm. Cụ thể, từ tháng 04/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT Quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Liền sau đó là một loạt các chính sách liên quan ra đời, như Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” (Quyết định số 117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học (Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT).

Vấn đề là, từ những chính sách lớn đến hành động cụ thể, dường như có một khoảng cách không hề nhỏ. Ở bậc đại học, từ nhiều năm qua hầu hết các trường đều có ít nhất một LMS của mình. Nhưng trong đợt dịch Covid-19 này, có vẻ như không nhiều nơi có điều kiện sẵn sàng để triển khai các hoạt động dạy học từ xa đồng loạt. Việc để cho phần lớn giáo viên tự xoay sở với các công cụ cá nhân để giảng bài trực tuyến, hoặc nhiều hơn một chút là sử dụng một hệ thống LMS đơn giản như Google Classroom, cho thấy sự thiếu đồng bộ và nhất quán của quá trình đầu tư và phát triển các hoạt động ứng dụng CNTT-TT trong hệ thống giáo dục nói chung, trong giáo dục đại học nói riêng.

3. Sự đồng bộ và công bằng trong dạy học trực tuyến

Sự đồng bộ chúng ta cần tìm kiếm ở đây, một mặt đó là giữa những biện pháp cá nhân với các giải pháp hệ thống. Mặt khác, cũng cần sự đồng bộ giữa đáp ứng nhu cầu khẩn cấp ngắn hạn với chuẩn bị các điều kiện cả cần lẫn đủ trong trung hạn và dài hạn. Cuối cùng, có một khía cạnh rất đáng quan tâm, đó là tính chất công bằng của các giải pháp được áp dụng.

Hãy nói trước tiên về sự công bằng. Trong môi trường dạy học tập trung, bất kể người học sống ở đâu, ăn mặc thế nào, đi lại ra sao, những phương tiện cần thiết nhất cho việc học đều được nhà trường đảm bảo và với mức đầu tư ngang bằng cho toàn bộ người học. Các phương tiện thiết yếu đó bao gồm phòng ốc, bàn ghế, sách giáo khoa hay giáo trình, máy móc thực hành, đồ dùng thí nghiệm, v.v. Khi học trực tuyến, người học buộc phải có thêm phương tiện làm việc cá nhân từ xa (tối thiểu là máy tính, tai nghe hoặc loa, webcam, kết nối Internet), với khả năng đầu tư hoàn toàn khác biệt, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng gia đình.

Cá nhân người viết làm ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp 8 tại một trường thuộc một quận trung tâm của thành phố đông dân nhất nước. Trong số 46 học sinh, 10 em (trên 20 %) có cả cha lẫn mẹ chỉ dùng điện thoại di động để liên lạc mà không dùng bất cứ phương tiện điện tử hay công nghệ nào khác (kể cả e-mail, mạng xã hội hay các ứng dụng thảo luận nhóm). Con số nhỏ này tuy không đủ tính đại diện, nhưng cũng có thể giúp chúng ta suy nghĩ cẩn trọng hơn, tránh nhận định mặc nhiên rằng tất cả các gia đình học sinh, sinh viên đều có thể dễ dàng trang bị máy móc phương tiện cho con em mình học tập từ xa.

3.1. Khía cạnh xã hội của dạy học trực tuyến bằng video

Tiếp theo, đó là xu hướng sử dụng các bài giảng video trực tuyến thay thế bài giảng trên lớp. Về mặt kĩ thuật, dung lượng tối thiểu của một đoạn video dài 5 phút thường dùng trực tuyến hiện nay dao động trong khoảng 50-100 MB. Một bài giảng video dài 40 phút (trực tiếp hoặc phát lại) sẽ tốn ít nhất 400-800 MB; chất lượng video càng cao dung lượng càng lớn. Các gói thuê bao Internet cố định cho máy tính với băng thông tiêu chuẩn hiện nay dao động khoảng từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi tháng. Nếu dùng dữ liệu Internet di động, một trong các gói cước ưu đãi nhất hiện giờ cũng tốn 200.000 đồng/tháng để có 2 GB mỗi ngày, chỉ trong một buổi học là đã “hết vốn”. Nhà nào càng có nhiều tiền để mua băng thông và lưu lượng dữ liệu cao hơn thì nghe và nhìn càng “sướng”. Còn ít tiền, dùng các gói truy cập tiêu chuẩn thì âm thanh hình ảnh lúc rõ nét lúc mờ nhoè rột rẹt tuỳ ý, không thể đảm bảo ổn định.

Bởi vậy, nếu chỉ tập trung vào các bài giảng video (truyền hình hoặc trực tuyến), không chỉ hiệu quả sư phạm rất hạn chế như đã nêu, mà còn dễ dẫn tới bất công về mặt xã hội. Tức là, các biện pháp áp dụng chỉ khuyến khích những gia đình có điều kiện thuận lợi về kinh tế, phương tiện, thiết bị kết nối, truy cập nội dung giáo dục. Còn các gia đình khó khăn hơn thì hoặc là phải chấp nhận thiệt thòi trong việc tiếp cận nội dung giáo dục, hoặc là phải chấp nhận tốn kém thêm chi phí để con em mình không thua thiệt so với bạn học. Trong khi đó, có một nguyên tắc công bằng cần đảm bảo trong giáo dục, đó là nhà giáo dục phải tạo đủ các điều kiện tối thiểu để mọi người học đều có khả năng tiếp cận như nhau đến những dịch vụ giáo dục thiết yếu nhất. Giống như trong một thùng nước làm từ các thanh gỗ ghép, mực nước chỉ dâng cao đến sát mép của thanh gỗ thấp nhất.

3.2. Thay đổi tâm thế dạy học trực tuyến

Thay vào đó, vẫn có những cách dạy học khác đạt hiệu quả mà giảm bớt bất công xã hội. Điểm cốt lõi nằm ở chỗ, người dạy cần quan niệm khác về việc học từ xa. Đó không phải là một bản sao máy móc của lớp học tập trung, nơi các mục tiêu của một bài học gói gọn trong một bài giảng, với sự tương tác đồng thời mặt đối mặt giữa người dạy và người học. Ở đây, người học phải tự mình chủ động đạt được các mục tiêu đó trong một môi trường không phù hợp cho việc học thuần tuý, do đó cần một quãng thời gian dài hơn (có thể rải ra trong nhiều buổi, nhiều ngày) và sự hợp tác nhóm mạnh mẽ hơn với các bạn cùng học.

Từ nguyên tắc đó, có thể chia ra các hoạt động tự học (kết hợp nghe-hiểu, đọc-hiểu, tự kiểm tra đánh giá) và hợp tác nhóm (thảo luận, phối hợp làm bài tập nhóm). Với một môn học được thiết kế mỗi tuần 2-3 tiết, người học sẽ có thể chia thành nhiều lượt làm việc vào các thời điểm khác nhau trong tuần, để đảm bảo vẫn có thể hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc được giao mà không nhất thiết phải ngồi tập trung trước màn hình nghe giảng liên tục mỗi lần 90-135 phút. Các hoạt động tự học và làm việc hợp tác hiệu quả trong học tập từ xa chính là yếu tố quyết định giúp phá vỡ tình trạng người học bị “cô lập” khỏi một môi trường thuần tuý dành cho giáo dục.

Sự thay đổi này có vẻ đơn giản, nhưng thực ra đòi hỏi một sự nỗ lực vô cùng lớn của cá nhân người giáo viên. Trước tiên là ở cách trình bày tài nguyên học tập dành cho người học. Trong dạy học tập trung, sách hay giáo trình thường quá dài hoặc khô khan (dẫn đến khó đọc khó nhớ), trong khi đó các bài giảng tóm tắt dưới dạng trình chiếu thường quá cô đọng (dẫn đến khó hiểu) vì chỉ dùng để dẫn dắt ý tưởng để giáo viên giảng giải trong buổi dạy. Trong dạy học từ xa, người dạy phải dành nhiều thời gian biên soạn các bài hướng dẫn đọc-hiểu sao cho vừa đủ chi tiết để dễ hiểu (thay cho lời giảng được nghe trên lớp), vừa đủ ngắn để không gây cảm giác uể oải và tâm lí ngán ngẩm.

Không dừng lại ở đó, hoạt động cá nhân đọc-hiểu này sẽ dễ rơi vào bế tắc, do trình độ người học trong một lớp luôn có sự chênh lệch, nên rất cần sự hỗ trợ thông qua các bài tập tự kiểm tra đánh giá (để đo lường mức độ hiểu bài của mình), cũng như các hoạt động thảo luận, hợp tác nhóm. Tục ngữ có câu “học thầy không tày học bạn”, sẽ nghiệm rất đúng trong trường hợp này. Thế là, người dạy lại phải dày công thiết kế các bài tập trắc nghiệm (với những công cụ, phần mềm riêng), cũng như đầu tư suy nghĩ công phu cho việc tổ chức các diễn đàn thảo luận nhóm và giao nhiệm vụ trong các bài tập nhóm. Mỗi một việc trong số đó lại đòi hỏi thêm kinh nghiệm và thời gian để tìm kiếm, học hỏi các công cụ và phương pháp tổ chức phù hợp.

3.3. Nhìn xa hơn các biện pháp “chữa cháy”

Tất cả những thay đổi nói trên, lí tưởng nhất là phải được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, toàn diện ngay từ đầu trong chính sách và kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT-TT trong dạy học của từng trường. Nếu chưa có, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đang cần những biện pháp gấp rút ngắn hạn, thì bắt đầu quan tâm đến việc đó vẫn chưa muộn. Điều đáng mừng là ở các cấp độ khác nhau đã có không ít sáng kiến và nỗ lực khắc phục những rào cản hiện thời, tích cực áp dụng nhiều cách làm khác nhau, dù hiệu quả có thể chưa cao hoặc chưa đồng bộ.

Trước tiên, Bộ GD&ĐT đã liên tục có những chủ trương, chỉ đạo sát sao trong việc điều chỉnh khung thời gian năm học, tinh giản chương trình. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng nhanh chóng huy động các doanh nghiệp và đơn vị trong lĩnh vực TT&TT cam kết hỗ trợ miễn phí phát sóng truyền hình hoặc cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên (dù chưa rõ cách thức thực hiện như thế nào). Các Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã nỗ lực bắt tay vào việc quay phim, ghi hình, ghi âm bài giảng để phát trên truyền hình hay cho truy cập trên Internet... Các trường đại học cũng chủ động tìm các cách khác nhau để khuyến khích thầy cô tham gia giảng bài trên mạng. Giáo viên nhiều nơi dù không có nhiều kinh nghiệm vẫn hăng hái vào cuộc, vừa làm vừa học, dù muôn vàn sự cố nảy sinh dẫn đến lắm chuyện cười ra nước mắt.

Dĩ nhiên, trong thực tế luôn có những đơn vị, cá nhân có sự chuẩn bị bài bản hơn hoặc tích luỹ nhiều kinh nghiệm hơn từ trước. Nhưng nhìn chung trong bức tranh tổng thể, có thể thấy rằng một số nguyên tắc cơ bản trong dạy học từ xa chưa được hiểu rõ. Trong khi đó, chỉ cần lưu tâm một chút thì những biện pháp “chữa cháy” tức thời hoàn toàn có thể có tác dụng đều khắp hơn, giúp tập trung sức lực và chi phí cho những khoản đầu tư thực sự thích đáng.

4. Giải pháp hài hoà giữa ngắn hạn và dài hạn

Từ những góc nhìn đã nêu trong các phần trước, có thể gợi ý một số hướng tiếp cận để giải quyết hài hoà giữa các nhu cầu ngắn hạn và dài hạn như sau:

1. Cần đề cao nguyên tắc chung là mọi hoạt động dạy-học từ xa khi trường học đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 chỉ nên tập trung vào những mục tiêu và nội dung thiết yếu trong chương trình thiết kế của môn học. Các mục tiêu và nội dung thiết yếu này đồng thời phải phù hợp với tính chất tổ chức dạy và học từ xa, và người dạy hoàn toàn có quyền chủ động kết hợp, điều chỉnh sao cho đạt hiệu quả cao nhất, chứ không bắt buộc phải dạy theo đúng trình tự thiết kế trong chương trình dạy học tập trung. Điều đó có nghĩa là hoạt động dạy học từ xa không nhằm thay thế hoàn toàn hoạt động dạy học tập trung, mà là một mặt nhằm duy trì mối liên lạc giữa người dạy với người học để giữ nhịp điệu học tập, mặt khác có thể cho phép rút ngắn thời gian hoàn tất chương trình sau khi trường học mở cửa trở lại.

Các nỗ lực điều chỉnh khung thời gian năm học, tinh giản chương trình, v.v. của Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT rất đáng ghi nhận, nhưng các văn bản chỉ đạo đã ban hành dường như đã quá vội vã trong các phương án công nhận kết quả dạy học từ xa. Điều nên làm là, thay vì quy định chung chung theo kiểu “kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng các hình thức phù hợp” mà không có cách hiểu đồng nhất như thế nào là phù hợp, thì hãy cho phép giảm bớt các cột điểm thành phần vốn có trong tiến trình dạy học tập trung. Lí do chính là chúng ta bị buộc phải chuyển từ dạy học tập trung sang dạy học từ xa trong gấp rút, thiếu chuẩn bị chu đáo, các yếu tố công bằng và đảm bảo chất lượng không rõ ràng.

Trên tinh thần là trường học sẽ mở cửa trở lại, người dạy sẽ đánh giá tình hình cụ thể kiến thức và kĩ năng mà người học đã lĩnh hội trong quá trình học tập từ xa, từ đó xác định những nội dung và thời gian cần thiết để bổ túc, bù đắp cho đồng đều. Và chỉ ưu tiên sử dụng bài kiểm tra cuối kì, tổ chức tập trung như thông thường, để làm cơ sở công nhận kết quả. Thậm chí, nếu cần thiết có thể tổ chức hai lượt kiểm tra cuối kì (mà không phải thi lại), để tạo cơ hội cho những trường hợp người học không có điều kiện thuận lợi để học từ xa và bị quá tải khi phải học dồn gấp rút trong thời gian tập trung ngắn ngủi còn lại.

4.1. Tránh sao chép máy móc lớp học truyền thống

2. Trong tổ chức dạy học trực từ xa, tránh tập trung quá nhiều vào việc bê nguyên bài giảng trên lớp lên trên mạng hay truyền hình. Ngay cả ở các nước phát triển trên thế giới, cả hạ tầng công nghệ lẫn trình độ giáo dục đều cao hơn Việt Nam rất nhiều, không nơi nào biến sóng truyền hình cả nước thành các lớp học từ xa hàng ngày hàng giờ như chúng ta đang làm. Có thể, các nhà giáo dục nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mình, cần phải thực hiện tới cùng rồi nếu hiệu quả không đạt thì cũng có thể nói rằng mình đã làm hết sức. Nhưng thay vì tốn rất nhiều chi phí và công sức quay phim ghi hình bài giảng rồi chiếm trọn sóng truyền hình để phát lại với hiệu quả rất thấp, thì hoàn toàn có thể đầu tư cho những việc khác có ý nghĩa và hiệu quả hơn.

Thay cho các bài giảng truyền hình đồng thời, nên ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thầy cô giáo biên soạn các bài viết hướng dẫn đọc-hiểu, hoặc kết hợp vừa trình chiếu vừa ghi âm lời giảng. Nội dung trong các tài nguyên dạy học dạng này không phải là toàn bộ bài giảng của từng tiết học, mà cần tập trung vào các vấn đề quan trọng, dễ đọc/nghe và hiểu, cô đọng trong những khoảng thời gian ngắn, bình quân 5-10 phút. Các tài nguyên dạng này có thể cung cấp cho người học dưới nhiều hình thức khác nhau (e-mail, website, mạng xã hội, ứng dụng di động...) Do không bắt buộc người học phải tập trung cùng lúc để theo dõi cũng như không quá lệ thuộc vào một phương tiện duy nhất, cách làm này sẽ góp phần giảm bớt bất công xã hội trong khả năng tiếp cận nội dung giáo dục.

Điều quan trọng là giải thích cho người học biết vì sao phải đọc/nghe tài liệu được giao (tức xác định rõ mục tiêu bài học), cần làm gì để đọc/nghe cho tốt (tức hướng dẫn cách tương tác với nội dung học tập), và sau khi đọc/nghe xong thì thế nào (tức hướng dẫn cách tự làm bài tập hoặc thực hành). Như thế, từ chỗ bắt buộc phải học từ xa, người học lại có cơ hội được đặt vào tâm thế rèn luyện dần dần khả năng tự học có hướng dẫn của thầy cô từ xa. Nếu ai làm tốt thì hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội để thành công. Trong thực tế, ít nhiều nơi đã có những thầy cô có sáng kiến tương tự, và rất cần được nhân rộng ra.

4.2. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập trực tuyếntừ xa

3. Bên cạnh đó, người dạy nên tăng cường biên soạn các bài tập trắc nghiệm tương tác (hoặc sử dụng các nguồn sẵn có), giúp người học có thể tự kiểm tra mức độ hiểu bài của mình ngay sau mỗi bài đọc-hiểu hoặc nghe-hiểu. Các bài tập này có thể biên soạn bằng các phần mềm chuyên biệt hoặc bằng chính các ứng dụng văn phòng thường dùng. Thực tế giáo dục cho thấy phần lớn giáo viên đều có bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan, và đây chính là lúc để phát huy tác dụng của các bộ câu hỏi này.

Với những môn hay những bậc học chỉ áp dụng phương pháp kiểm tra tự luận, người dạy cũng có thể có nhiều cách để giao bài tập cho người học (cùng với tài nguyên đã nêu trên). Dĩ nhiên sẽ mất thêm thời gian để nhận bài và chấm bài, nhưng ở đây chủ yếu để có phản hồi giúp người học biết được mình đúng sai chỗ nào nhằm tự khắc phục. Kết quả bài làm từ xa trong hoàn cảnh này không thể cho phép dùng để tính điểm chính thức, vì khó có cách nào xác định được rằng có phải đúng người mang tên đó đã làm bài tập đó trong quãng thời gian yêu cầu mà không có ai khác trợ giúp hay không.

4.3. Hoạt động hợp tác và phối hợp nhóm

4. Để tăng cường động cơ học tập của người học, đặc biệt từ cấp II trở lên, nên kết hợp bổ sung các hoạt động thảo luận nhóm từ xa có hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, khuyến khích người dạy tổ chức các bài tập nhóm, giao nhiệm vụ phối hợp để cùng vận dụng các kiến thức đã học qua các bài đọc-hiểu và nghe-hiểu. Các hoạt động nhóm này có thể khai thác mọi công cụ cá nhân trong tầm tay người dạy và người học (e-mail, hệ thống chia sẻ tài liệu, mạng xã hội, ứng dụng di động...), nhưng đặc biệt ưu tiên các gói giải pháp chuyên dụng ưu đãi cho ngành giáo dục như G Suite for Education, Office 365 Education...

5. Từ những thay đổi hướng tiếp cận như trên, các buổi hội thoại trực tuyến có hình sẽ không còn phục vụ mục đích bê nguyên bài giảng trên lớp lên mạng nữa. Nhiệm vụ ưu tiên ở đây sẽ là nhằm giải đáp thắc mắc, thảo luận hoặc hướng dẫn trực tiếp những nội dung, vấn đề quan trọng mà người học không thể giải quyết được bằng cách tự học hay làm việc nhóm từ xa. Số lượng cuộc họp cũng như thời lượng mỗi cuộc họp sẽ giảm đi đáng kể. Đồng thời, do đã trải qua các hoạt động tự học và làm việc nhóm mà không giải quyết được nhu cầu, động lực tham gia cũng như mức độ hứng thú tập trung của người học trong buổi hội thoại với người dạy sẽ cao hơn nhiều.


Nếu kết hợp được hài hoà các hướng tiếp cận trên, chúng ta có thể tin rằng những biện pháp tức thời trước mắt sẽ không bị phung phí, dàn trải. Ngược lại, đó sẽ là một phần chuẩn bị đáng kể các năng lực học tập cơ bản của người học trong thời đại công nghệ số: tự học, đọc-hiểu, nghe-hiểu, phối hợp nhóm, sử dụng thành thục các công cụ làm việc cá nhân và hợp tác trực tuyến... Bản thân người dạy qua quá trình này cũng có thể tích luỹ kinh nghiệm và cải thiện khả năng sử dụng các công cụ dạy học từ xa, nâng cao tay nghề sư phạm của mình.

4.4. Tầm nhìn lâu dài

6. Về lâu dài, mỗi trường cần chủ động nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kĩ thuật của mình sao cho đủ năng lực truyền tải và tích hợp đầy đủ các công cụ cần thiết phục vụ các hoạt động dạy và học đa dạng khác nhau, hạn chế việc sử dụng phân tán các công cụ cá nhân riêng lẻ. Bên cạnh đó cũng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ người học kết nối, sử dụng CNTT-TT phục vụ học tập.

7. Cuối cùng, mỗi đơn vị đều cần xây dựng một chương trình hoàn chỉnh về đào tạo và bồi dưỡng năng lực sử dụng công nghệ số trong dạy và học dành cho cán bộ, giáo viên và sinh viên, học sinh. Hơn thế nữa, chương trình bồi dưỡng này phải được thực hiện thường xuyên nhằm giúp họ sử dụng thành thục các phương pháp và công cụ dạy học trực tuyến tích hợp trong hệ thống của nhà trường trong hoạt động dạy học hàng ngày. Khi đó, việc dạy học từ xa sẽ trở thành hoạt động bình thường, diễn ra liên tục trong năm, bổ trợ cho dạy học tập trung trên lớp. Đó sẽ là nền tảng cần thiết để hệ thống giáo dục có khả năng ứng phó cao hơn và hiệu quả hơn trong các tình huống khẩn cấp tương tự về sau.