1. Dạy học, giảng bài và nghe giảng
1.3. Các phương thức đào tạo từ xa
Đó là chưa kể đến yếu tố tuổi tác, tâm lí và khả năng tự chủ của người học. Các phương thức đào tạo từ xa về cơ bản được thiết kế dành cho người trưởng thành, vốn có nhu cầu và khả năng tự học cao. Ban đầu là đào tạo qua thư tín (giáo dục hàm thụ) phổ biến trong nửa đầu thế kỉ XX, dựa hoàn toàn vào năng lực đọc-hiểu của người học. Theo đà phát triển của công nghệ thì phương thức đào tạo từ xa cũng chuyển mình từ thư tín qua truyền thanh và truyền hình, thịnh hành trong những năm 1970-1980, cải thiện thêm khâu nghe-nhìn. Khi Internet phổ biến rộng rãi trong những năm 1990-2000 thì khái niệm e-learning (học tập điện tử) cũng ra đời, nâng tầm các hoạt động đào tạo từ xa thêm một bước, hỗ trợ tương tác ở mức độ đơn giản. Từ cuối những năm 2000, công nghệ Web động rồi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến chuyển lớn trong cách tổ chức các hoạt động đào tạo từ xa, với rất nhiều công cụ hỗ trợ hiệu quả từ làm việc cá nhân đến làm việc nhóm, từ biên soạn và chia sẻ tài nguyên đến hội thoại có tiếng, có hình, v.v.
Nhưng suy cho cùng, công cụ cũng chỉ là công cụ, với tất cả những ưu điểm và nhược điểm tự thân của từng loại. Điều quan trọng là trước khi nghĩ đến công cụ, người dạy cần phân biệt được hoạt động học tập nào có thể thực hiện hiệu quả từ xa, và hoạt động nào chỉ có tác dụng tốt khi tập trung mặt đối mặt trên lớp. Từ đó mới có thể lựa chọn công cụ nào phù hợp nhất với loại hoạt động muốn tổ chức.
Tổ chức các buổi học phát trên truyền hình hay giảng bài trực tuyến như đang thấy, sẽ không khác gì bê nguyên lớp học tập trung tại trường đặt lên truyền hình hay Internet. Với mọi hạn chế về khả năng điều hành, kiểm soát người học từ xa, các nhà giáo dục lại đòi hỏi người học phải tự vượt qua mọi rào cản môi trường phi-học-tập xung quanh cũng như khắc phục mọi hạn chế về năng lực học tập tự chủ (đặc biệt ở học sinh nhỏ tuổi) để nghe giảng cho đạt hiệu quả. Xa hơn nữa, giảng bài và nghe giảng dù có tương tác (qua Internet) hay không (qua truyền hình) cũng chỉ là hai hoạt động dạy học chiếm vai trò chủ đạo trong lối giáo dục truyền thụ của vài chục năm về trước. Và sẽ rất đáng tiếc khi các công cụ đa dạng và phong phú của thời đại công nghệ số ngày nay lại chỉ được khai thác ở lớp bề mặt giản đơn nhất dựa trên một mô hình giáo dục cũ kĩ của nửa đầu thế kỉ XX.