1. Dạy học, giảng bài và nghe giảng

Khi các trường học đóng cửa kéo dài do dịch bệnh Covid-19, nhiều nơi đã tăng cường sử dụng các ứng dụng hội thoại có hình để dạy học trực tuyến như là một giải pháp thay thế cho việc giảng bài trên lớp học. Kèm theo đó là một xu hướng người dùng chấm điểm thấp các ứng dụng máy tính liên quan, làm nhiều người trở nên bức xúc, đặc biệt là về thái độ ứng xử văn hoá của học sinh. Nhưng nói cho ngay, điểm đánh giá thấp ấy không phải chỉ do học sinh Việt Nam, mà nhiều người học trẻ tuổi ở khắp nơi trên thế giới cũng có hành động tương tự. Đằng sau câu chuyện này, có cả nguyên nhân từ chính các nhà giáo dục và thầy cô giáo mà chưa nhiều người thực sự quan tâm đến.

Có thể nói, hai phương thức dạy học chủ đạo được các trường học ưu tiên áp dụng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay là giảng bài qua truyền hình và giảng bài trực tuyến (qua mạng Internet). Bài giảng truyền hình áp dụng chủ yếu ở bậc phổ thông. Nhiều địa phương mời các thầy cô giáo giảng hay, tổ chức ghi hình các bài giảng theo từng môn ở từng lớp, rồi xếp lịch phát trên sóng truyền hình và thông báo cho học sinh đúng ngày đúng giờ mở tivi lên nghe, hoàn toàn không có tương tác. Với Internet, các thầy cô sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hẹn học sinh, sinh viên đến đúng ngày giờ thì kết nối và nghe giảng trực tiếp qua mạng, với ít nhiều khả năng tương tác, trao đổi qua lại.

Các bài giảng qua truyền hình hay qua Internet có một ưu điểm lớn nhất thấy rõ, đó là có người giảng giải chi tiết các nội dung của những bài học dài như vẫn thường gặp trên trường trên lớp, với giả định là người nghe sẽ tập trung tối đa và tiếp thu ở mức cao nhất mọi kiến thức được truyền đạt. Nếu điều kiện kĩ thuật cho phép, các bài giảng ấy có thể được lưu trữ trên Internet và cho phép học sinh, sinh viên truy cập, xem lại vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đó cũng có thể chính là nhược điểm quan trọng về mặt giáo dục. Vì sao vậy?