2. Công cụ dạy học trực tuyến

Quay lại câu chuyện người học cho điểm thấp khi dùng các ứng dụng hội thoại có hình để dạy học trực tuyến. Trước tiên, thiết tưởng cần phải gọi đúng tên công cụ. Ví dụ, hãng xe hơi T. có dòng xe V. được ưa chuộng. Hãng taxi M. đặt hàng mua một loạt xe V. để dùng chạy taxi. Người ta có thể nói xe taxi của hãng M. thuộc dòng xe V., nhưng không thể gọi xe V. là xe taxi.


Tương tự, một ứng dụng cụ thể bị cho điểm thấp mà chúng ta đang bàn là Zoom vốn không phải là ứng dụng dạy học trực tuyến. Đó là một công cụ hội nghị trực tuyến (Web conference), kèm theo nhiều chức năng bổ trợ khác, từ miễn phí đến có phí, phục vụ hội họp từ xa qua Internet. Việc nhiều giáo viên dùng Zoom cho mục đích giảng bài trực tuyến không thể biến Zoom thành một ứng dụng dạy học trực tuyến đúng nghĩa. Tình trạng gọi sai tên trong một cuộc truyền thông ồ ạt này, dù vô tình hay hữu ý, đã dẫn đến hậu quả là học sinh, sinh viên, cùng với gia đình họ và công chúng nói chung, hiểu sai bản chất của ứng dụng. Phản ứng thái quá của người học trong việc chấm điểm ứng dụng là điều đáng tiếc, nhưng về căn nguyên sâu xa thì lỗi không chỉ do riêng người học.

Bên cạnh Zoom, có rất nhiều những ứng dụng tương tự khác có thể hỗ trợ hội họp video (có cả tiếng lẫn hình) trực tuyến. Trước tiên có thể kể đến các chức năng phát hình trực tiếp trên Internet (live streaming) của Facebook và YouTube, với giao diện và công cụ bổ trợ tương đối hạn chế. Chuyên biệt và nhiều chức năng hơn thì có Skype hay Microsoft Teams, có thể cài đặt cả trên máy tính hay điện thoại để dùng. Tương tự, Google Hangouts Meet, AnyMeeting hay Adobe Connect cũng được thiết kế chuyên biệt cho nhu cầu hội họp từ xa nhưng cho phép kết nối trực tiếp từ Web mà không cần cài đặt phần mềm riêng trên máy tính...