[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19

4. Giải pháp hài hoà giữa ngắn hạn và dài hạn

4.3. Hoạt động hợp tác và phối hợp nhóm

4. Để tăng cường động cơ học tập của người học, đặc biệt từ cấp II trở lên, nên kết hợp bổ sung các hoạt động thảo luận nhóm từ xa có hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, khuyến khích người dạy tổ chức các bài tập nhóm, giao nhiệm vụ phối hợp để cùng vận dụng các kiến thức đã học qua các bài đọc-hiểu và nghe-hiểu. Các hoạt động nhóm này có thể khai thác mọi công cụ cá nhân trong tầm tay người dạy và người học (e-mail, hệ thống chia sẻ tài liệu, mạng xã hội, ứng dụng di động...), nhưng đặc biệt ưu tiên các gói giải pháp chuyên dụng ưu đãi cho ngành giáo dục như G Suite for Education, Office 365 Education...

5. Từ những thay đổi hướng tiếp cận như trên, các buổi hội thoại trực tuyến có hình sẽ không còn phục vụ mục đích bê nguyên bài giảng trên lớp lên mạng nữa. Nhiệm vụ ưu tiên ở đây sẽ là nhằm giải đáp thắc mắc, thảo luận hoặc hướng dẫn trực tiếp những nội dung, vấn đề quan trọng mà người học không thể giải quyết được bằng cách tự học hay làm việc nhóm từ xa. Số lượng cuộc họp cũng như thời lượng mỗi cuộc họp sẽ giảm đi đáng kể. Đồng thời, do đã trải qua các hoạt động tự học và làm việc nhóm mà không giải quyết được nhu cầu, động lực tham gia cũng như mức độ hứng thú tập trung của người học trong buổi hội thoại với người dạy sẽ cao hơn nhiều.


Nếu kết hợp được hài hoà các hướng tiếp cận trên, chúng ta có thể tin rằng những biện pháp tức thời trước mắt sẽ không bị phung phí, dàn trải. Ngược lại, đó sẽ là một phần chuẩn bị đáng kể các năng lực học tập cơ bản của người học trong thời đại công nghệ số: tự học, đọc-hiểu, nghe-hiểu, phối hợp nhóm, sử dụng thành thục các công cụ làm việc cá nhân và hợp tác trực tuyến... Bản thân người dạy qua quá trình này cũng có thể tích luỹ kinh nghiệm và cải thiện khả năng sử dụng các công cụ dạy học từ xa, nâng cao tay nghề sư phạm của mình.