[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19

4. Giải pháp hài hoà giữa ngắn hạn và dài hạn

Từ những góc nhìn đã nêu trong các phần trước, có thể gợi ý một số hướng tiếp cận để giải quyết hài hoà giữa các nhu cầu ngắn hạn và dài hạn như sau:

1. Cần đề cao nguyên tắc chung là mọi hoạt động dạy-học từ xa khi trường học đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 chỉ nên tập trung vào những mục tiêu và nội dung thiết yếu trong chương trình thiết kế của môn học. Các mục tiêu và nội dung thiết yếu này đồng thời phải phù hợp với tính chất tổ chức dạy và học từ xa, và người dạy hoàn toàn có quyền chủ động kết hợp, điều chỉnh sao cho đạt hiệu quả cao nhất, chứ không bắt buộc phải dạy theo đúng trình tự thiết kế trong chương trình dạy học tập trung. Điều đó có nghĩa là hoạt động dạy học từ xa không nhằm thay thế hoàn toàn hoạt động dạy học tập trung, mà là một mặt nhằm duy trì mối liên lạc giữa người dạy với người học để giữ nhịp điệu học tập, mặt khác có thể cho phép rút ngắn thời gian hoàn tất chương trình sau khi trường học mở cửa trở lại.

Các nỗ lực điều chỉnh khung thời gian năm học, tinh giản chương trình, v.v. của Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT rất đáng ghi nhận, nhưng các văn bản chỉ đạo đã ban hành dường như đã quá vội vã trong các phương án công nhận kết quả dạy học từ xa. Điều nên làm là, thay vì quy định chung chung theo kiểu “kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng các hình thức phù hợp” mà không có cách hiểu đồng nhất như thế nào là phù hợp, thì hãy cho phép giảm bớt các cột điểm thành phần vốn có trong tiến trình dạy học tập trung. Lí do chính là chúng ta bị buộc phải chuyển từ dạy học tập trung sang dạy học từ xa trong gấp rút, thiếu chuẩn bị chu đáo, các yếu tố công bằng và đảm bảo chất lượng không rõ ràng.

Trên tinh thần là trường học sẽ mở cửa trở lại, người dạy sẽ đánh giá tình hình cụ thể kiến thức và kĩ năng mà người học đã lĩnh hội trong quá trình học tập từ xa, từ đó xác định những nội dung và thời gian cần thiết để bổ túc, bù đắp cho đồng đều. Và chỉ ưu tiên sử dụng bài kiểm tra cuối kì, tổ chức tập trung như thông thường, để làm cơ sở công nhận kết quả. Thậm chí, nếu cần thiết có thể tổ chức hai lượt kiểm tra cuối kì (mà không phải thi lại), để tạo cơ hội cho những trường hợp người học không có điều kiện thuận lợi để học từ xa và bị quá tải khi phải học dồn gấp rút trong thời gian tập trung ngắn ngủi còn lại.