[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19

3. Sự đồng bộ và công bằng trong dạy học trực tuyến

3.3. Nhìn xa hơn các biện pháp “chữa cháy”

Tất cả những thay đổi nói trên, lí tưởng nhất là phải được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, toàn diện ngay từ đầu trong chính sách và kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT-TT trong dạy học của từng trường. Nếu chưa có, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đang cần những biện pháp gấp rút ngắn hạn, thì bắt đầu quan tâm đến việc đó vẫn chưa muộn. Điều đáng mừng là ở các cấp độ khác nhau đã có không ít sáng kiến và nỗ lực khắc phục những rào cản hiện thời, tích cực áp dụng nhiều cách làm khác nhau, dù hiệu quả có thể chưa cao hoặc chưa đồng bộ.

Trước tiên, Bộ GD&ĐT đã liên tục có những chủ trương, chỉ đạo sát sao trong việc điều chỉnh khung thời gian năm học, tinh giản chương trình. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng nhanh chóng huy động các doanh nghiệp và đơn vị trong lĩnh vực TT&TT cam kết hỗ trợ miễn phí phát sóng truyền hình hoặc cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên (dù chưa rõ cách thức thực hiện như thế nào). Các Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã nỗ lực bắt tay vào việc quay phim, ghi hình, ghi âm bài giảng để phát trên truyền hình hay cho truy cập trên Internet... Các trường đại học cũng chủ động tìm các cách khác nhau để khuyến khích thầy cô tham gia giảng bài trên mạng. Giáo viên nhiều nơi dù không có nhiều kinh nghiệm vẫn hăng hái vào cuộc, vừa làm vừa học, dù muôn vàn sự cố nảy sinh dẫn đến lắm chuyện cười ra nước mắt.

Dĩ nhiên, trong thực tế luôn có những đơn vị, cá nhân có sự chuẩn bị bài bản hơn hoặc tích luỹ nhiều kinh nghiệm hơn từ trước. Nhưng nhìn chung trong bức tranh tổng thể, có thể thấy rằng một số nguyên tắc cơ bản trong dạy học từ xa chưa được hiểu rõ. Trong khi đó, chỉ cần lưu tâm một chút thì những biện pháp “chữa cháy” tức thời hoàn toàn có thể có tác dụng đều khắp hơn, giúp tập trung sức lực và chi phí cho những khoản đầu tư thực sự thích đáng.