[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19

3. Sự đồng bộ và công bằng trong dạy học trực tuyến

3.2. Thay đổi tâm thế dạy học trực tuyến

Thay vào đó, vẫn có những cách dạy học khác đạt hiệu quả mà giảm bớt bất công xã hội. Điểm cốt lõi nằm ở chỗ, người dạy cần quan niệm khác về việc học từ xa. Đó không phải là một bản sao máy móc của lớp học tập trung, nơi các mục tiêu của một bài học gói gọn trong một bài giảng, với sự tương tác đồng thời mặt đối mặt giữa người dạy và người học. Ở đây, người học phải tự mình chủ động đạt được các mục tiêu đó trong một môi trường không phù hợp cho việc học thuần tuý, do đó cần một quãng thời gian dài hơn (có thể rải ra trong nhiều buổi, nhiều ngày) và sự hợp tác nhóm mạnh mẽ hơn với các bạn cùng học.

Từ nguyên tắc đó, có thể chia ra các hoạt động tự học (kết hợp nghe-hiểu, đọc-hiểu, tự kiểm tra đánh giá) và hợp tác nhóm (thảo luận, phối hợp làm bài tập nhóm). Với một môn học được thiết kế mỗi tuần 2-3 tiết, người học sẽ có thể chia thành nhiều lượt làm việc vào các thời điểm khác nhau trong tuần, để đảm bảo vẫn có thể hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc được giao mà không nhất thiết phải ngồi tập trung trước màn hình nghe giảng liên tục mỗi lần 90-135 phút. Các hoạt động tự học và làm việc hợp tác hiệu quả trong học tập từ xa chính là yếu tố quyết định giúp phá vỡ tình trạng người học bị “cô lập” khỏi một môi trường thuần tuý dành cho giáo dục.

Sự thay đổi này có vẻ đơn giản, nhưng thực ra đòi hỏi một sự nỗ lực vô cùng lớn của cá nhân người giáo viên. Trước tiên là ở cách trình bày tài nguyên học tập dành cho người học. Trong dạy học tập trung, sách hay giáo trình thường quá dài hoặc khô khan (dẫn đến khó đọc khó nhớ), trong khi đó các bài giảng tóm tắt dưới dạng trình chiếu thường quá cô đọng (dẫn đến khó hiểu) vì chỉ dùng để dẫn dắt ý tưởng để giáo viên giảng giải trong buổi dạy. Trong dạy học từ xa, người dạy phải dành nhiều thời gian biên soạn các bài hướng dẫn đọc-hiểu sao cho vừa đủ chi tiết để dễ hiểu (thay cho lời giảng được nghe trên lớp), vừa đủ ngắn để không gây cảm giác uể oải và tâm lí ngán ngẩm.

Không dừng lại ở đó, hoạt động cá nhân đọc-hiểu này sẽ dễ rơi vào bế tắc, do trình độ người học trong một lớp luôn có sự chênh lệch, nên rất cần sự hỗ trợ thông qua các bài tập tự kiểm tra đánh giá (để đo lường mức độ hiểu bài của mình), cũng như các hoạt động thảo luận, hợp tác nhóm. Tục ngữ có câu “học thầy không tày học bạn”, sẽ nghiệm rất đúng trong trường hợp này. Thế là, người dạy lại phải dày công thiết kế các bài tập trắc nghiệm (với những công cụ, phần mềm riêng), cũng như đầu tư suy nghĩ công phu cho việc tổ chức các diễn đàn thảo luận nhóm và giao nhiệm vụ trong các bài tập nhóm. Mỗi một việc trong số đó lại đòi hỏi thêm kinh nghiệm và thời gian để tìm kiếm, học hỏi các công cụ và phương pháp tổ chức phù hợp.