[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19
3. Sự đồng bộ và công bằng trong dạy học trực tuyến
Sự đồng bộ chúng ta cần tìm kiếm ở đây, một mặt đó là giữa những biện pháp cá nhân với các giải pháp hệ thống. Mặt khác, cũng cần sự đồng bộ giữa đáp ứng nhu cầu khẩn cấp ngắn hạn với chuẩn bị các điều kiện cả cần lẫn đủ trong trung hạn và dài hạn. Cuối cùng, có một khía cạnh rất đáng quan tâm, đó là tính chất công bằng của các giải pháp được áp dụng.
Hãy nói trước tiên về sự công bằng. Trong môi trường dạy học tập trung, bất kể người học sống ở đâu, ăn mặc thế nào, đi lại ra sao, những phương tiện cần thiết nhất cho việc học đều được nhà trường đảm bảo và với mức đầu tư ngang bằng cho toàn bộ người học. Các phương tiện thiết yếu đó bao gồm phòng ốc, bàn ghế, sách giáo khoa hay giáo trình, máy móc thực hành, đồ dùng thí nghiệm, v.v. Khi học trực tuyến, người học buộc phải có thêm phương tiện làm việc cá nhân từ xa (tối thiểu là máy tính, tai nghe hoặc loa, webcam, kết nối Internet), với khả năng đầu tư hoàn toàn khác biệt, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng gia đình.
Cá nhân người viết làm ban đại diện cha mẹ học sinh của một lớp 8 tại một trường thuộc một quận trung tâm của thành phố đông dân nhất nước. Trong số 46 học sinh, 10 em (trên 20 %) có cả cha lẫn mẹ chỉ dùng điện thoại di động để liên lạc mà không dùng bất cứ phương tiện điện tử hay công nghệ nào khác (kể cả e-mail, mạng xã hội hay các ứng dụng thảo luận nhóm). Con số nhỏ này tuy không đủ tính đại diện, nhưng cũng có thể giúp chúng ta suy nghĩ cẩn trọng hơn, tránh nhận định mặc nhiên rằng tất cả các gia đình học sinh, sinh viên đều có thể dễ dàng trang bị máy móc phương tiện cho con em mình học tập từ xa.