[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19

2. Công cụ dạy học trực tuyến

2.3. Hệ thống quản lí dạy học trực tuyến

Điều kiện tiên quyết để phát triển các VLE/LMS trong hệ thống giáo dục là hành lang pháp lí và chính sách ứng dụng công nghệ. Về điểm này, có thể nói là Việt Nam đã chuẩn bị tương đối đầy đủ từ khá sớm. Cụ thể, từ tháng 04/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT Quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Liền sau đó là một loạt các chính sách liên quan ra đời, như Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” (Quyết định số 117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học (Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT).

Vấn đề là, từ những chính sách lớn đến hành động cụ thể, dường như có một khoảng cách không hề nhỏ. Ở bậc đại học, từ nhiều năm qua hầu hết các trường đều có ít nhất một LMS của mình. Nhưng trong đợt dịch Covid-19 này, có vẻ như không nhiều nơi có điều kiện sẵn sàng để triển khai các hoạt động dạy học từ xa đồng loạt. Việc để cho phần lớn giáo viên tự xoay sở với các công cụ cá nhân để giảng bài trực tuyến, hoặc nhiều hơn một chút là sử dụng một hệ thống LMS đơn giản như Google Classroom, cho thấy sự thiếu đồng bộ và nhất quán của quá trình đầu tư và phát triển các hoạt động ứng dụng CNTT-TT trong hệ thống giáo dục nói chung, trong giáo dục đại học nói riêng.