[Tham khảo] Tản mạn dạy học trực tuyến thời COVID-19
2. Công cụ dạy học trực tuyến
2.2. Các công cụ làm việc cá nhân và phối hợp trực tuyến
Nếu không muốn chỉ dừng lại ở mô hình giáo dục truyền thụ của hơn nửa thế kỉ trước, chắc hẳn câu trả lời là không. Các nhà phát triển lớn như Google và Microsoft có những gói dịch vụ ưu đãi dành cho giáo dục, ngoài việc đảm bảo chất lượng hội thoại video trực tuyến cao hơn còn cung cấp một loạt các công cụ làm việc cá nhân và làm việc nhóm khác cho giáo viên và học sinh, sinh viên. Trong gói Office 365 Education mà Microsoft cung cấp miễn phí cho bất cứ ai có hộp thư điện tử theo tên miền của ngành giáo dục, người dùng sẽ có thêm các công cụ văn phòng cá nhân và hợp tác nhóm như không gian chia sẻ tài liệu, biên soạn nội dung, lập phiếu khảo sát, v.v.
Trong khi đó, Google đã đi trước Microsoft một bước khi từ lâu đã tiên phong cung cấp các công cụ làm việc cá nhân và hợp tác hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người (thông qua Google Drive). Không những thế, họ còn đi xa hơn khi phát triển một công cụ chuyên biệt cho nhu cầu dạy học trực tuyến của giáo viên là Google Classroom, cho phép soạn bài giảng, giao bài tập, chấm điểm bài làm, khảo sát ý kiến và thảo luận với sinh viên. Và gói G Suite for Education là sự nâng cấp của tất cả các dịch vụ dành cho cá nhân riêng lẻ (giáo viên hay sinh viên), tích hợp lại trong một hệ thống tập trung của một cơ sở giáo dục, với một mức chất lượng phục vụ cao hơn. Trong thực tế, không ít giáo viên đã biết kết hợp các công cụ cá nhân của Google để tổ chức việc dạy học trực tuyến cho các lớp học của riêng mình, và cũng đã có những trường học chủ động đăng kí trọn gói G Suite for Education để nhân rộng phạm vi sử dụng các công cụ này tại đơn vị của mình.
Tuy vậy, nói cho ngay thì các công cụ của Microsoft hay Google cũng chỉ phục vụ những nhu cầu dạy học rất cơ bản. Trong thực tiễn ứng dụng CNTT-TT trong giáo dục, có rất nhiều hoạt động dạy học khác cần những phương tiện chuyên biệt hơn so với những gì Office 365 Education hay G Suite for Education cung cấp. Để việc ứng dụng CNTT-TT đạt hiệu quả tại một trường học hay một cơ sở giáo dục (ở mọi cấp độ), một trong các điều kiện cần là phải có một “môi trường dạy-học trực tuyến” (Virtual learning environnement – VLE) hay một “hệ thống quản lí dạy-học trực tuyến” (Learning management system – LMS) cho phép quản lí tích hợp mọi hoạt động dạy và học của mọi giáo viên và học viên tại đơn vị của mình. Trong số các VLE/LMS phổ biến nhất hiện nay, nhóm bản quyền thương mại có thể kể đến Blackboard Learn, Dokeos, nhóm mã nguồn mở có thể kể đến Moodle, Claroline, Sakai, Canvas, Open edX, v.v.